Chinese Cinderella by Adeline Yen Mah

Chinese Cinderella by Adeline Yen Mah; Chương 8: Vé xe điện

Dù Cha đã cho chúng tôi học ở những ngôi trường đắt tiền, ông và Niang đều áp dụng chính sách ‘thắt lưng buộc bụng’ để dạy cho chúng tôi về ‘giá trị đồng tiền’. Để bắt đầu, chúng tôi không bao giờ được cho tiền tiêu vặt, kể cả phí tàu điện. Chúng tôi chẳng có gì để mặc ngoài đồng phục. Chị Cả và tôi phải luôn để tóc ngắn và thẳng. Còn với ba anh trai, mọi thứ còn tệ hơn nữa. Họ đều phải cạo trọc như những nhà tu và bị trêu chọc bởi bạn bè mỗi ngày.

Trường tôi cách nhà một dặm rưỡi và nằm ngay cạnh trường Chị Cả. Tàu điện số 8 chạy thẳng qua từng nhà. Học Viện St John’s cách xa tận 3 dặm mà vẫn có thể đến được bằng tàu điện số 8 đi về hướng ngược lại.

Khi Ye Ye mới đến Thượng Hải, chúng tôi đã xin ông cho tiền để đi tàu điện đến trường. Hai tháng sau, Ye Ye đã tiêu hết tiền của mình và quyết định nói với mọi người vào một buổi tối nọ. Bữa tối sắp kết thúc và mọi người đang ăn trái cây khi Dì Baba nói rằng Dì đã quyết định nhận việc làm giao dịch viên ở ngân hàng của Dì Lớn. (Dì Lớn là người em ruột cực kì thành công của Ye Ye. Vài năm trước, bà đã thành lập nên Ngân hàng Phụ nữ Thượng Hải và trở nên giày có.) Đây có thể là cách Dì Baba nói với Cha rằng Dì và Ye Ye đã không còn tiền cho chi tiêu hàng ngày. Chúng tôi đều nín thở cho họ.

Cha và Niang trông cực kì khó chịu. ‘Chị không cần phải làm việc như một đứa thường dân,’ Cha nói. ‘Chị có mọi thứ chị cần ở đây rồi cơ mà. Vả lại, Ye Ye thích chị ở nhà. Nếu một trong hai người cần tiền, tại sao không hỏi em? Em đã bảo trước đây rằng nếu em bận việc ở văn phòng, chị chỉ cần nói với Jeanne (Niang) đây rồi cô ấy sẽ đưa tiền cho chị.’

Sao điều này có thể xảy ra được? Tôi tự hỏi. Tiền của Ye Ye đâu? Ông không còn là trụ cột của gia đình này nữa sao? Tại sao tự nhiên ông lại trở nên phụ thuộc vào tiền của Cha và Niang? Tôi rùng mình khi nghĩ đến cảnh người ông dịu dàng và đầy phẩm hạnh của tôi xin xỏ tiền tiêu vặt từ bà mẹ kế kiêu căng.

‘Cả hai người đều đã rất hào phóng và thuê nhiều người giúp việc trong nhà nên chị thấy mình không giúp được gì nhiều,’ Dì Baba trả lời một cách lịch sự. ‘Bọn trẻ thì ở trường cả ngày. Đi làm mỗi ngày sẽ giúp chị ra khỏi nhà và làm một điều gì đó có ích.’

Cha quay sang Ye Ye. ‘Cha nghĩ sao? Cha sẽ không nhớ chị ấy sao?’

‘Hãy để chị con đi làm nếu đó là điều chị thật sự yêu thích,’ Ye Ye trả lời. ‘Chị con thích dành tiền lương để đánh bài mạt chược và mua quà cho bọn trẻ. Nhân tiện, cha đã phải nói với con điều này từ nhiều tuần trước. Bọn trẻ con nên được cho tiền tiêu vặt hàng tuần.’

‘Để làm gì?’ Cha hỏi, quay về phía chúng tôi. ‘Chẳng phải mọi thứ đều đã được chu cấp cho chúng nó rồi sao?’

‘À, còn một thứ,’ Chị Cả trả lời, thay mặt cho tất cả chúng tôi, ‘chúng con cần tiền đi xe điện mỗi ngày để đến trường.’

‘Tiền đi xe điện à?’ Niang đột ngột xen vào. ‘Ai bảo đi xe điện là tốt? Sao không đi bộ? Tập thể dục rất tốt cho sức khoẻ mà.’

‘Chúng con phải đi rất xa mới đến được St John’s. Đến lúc mình đến được đó, đã đến giờ để quay lại và đi về nhà,’ Anh Lớn nói.

‘Vô lý!’ Cha lớn giọng. ‘Đi bộ là rất tốt cho trẻ em ở độ tuổi phát triển như chúng con.’

‘Con ghét đi bộ!’ Anh Lớn cằn nhằn. ‘Đặc biệt là vào buổi sáng.’

‘Sao mày dám cãi lại cha!’ Niang đe doạ. ‘Nếu cha bảo mày đi bộ đến trường, nhiệm vụ của mày là nghe lời cha. Rõ chưa?’

Chúng tôi trở nên im lặng và nhìn sang Ye Ye, mong đợi ông nói gì đó để bảo vệ chúng tôi; nhưng ông dán chặt mắt vào đĩa và tiếp tục gọt táo. Chị Cả không thể chịu được nữa. ‘Ye Ye đã đưa tiền tiêu vặt cho chúng con. Bây giờ chúng con đã quen với việc đi tàu điện đến trường rồi. Không ai trong lớp con còn đi bộ đến trường nữa. Hầu hết bạn cùng lớp của con đều đến lớp bằng xe hơi riêng.’

Niang trở nên tức giận. ‘Cha chúng mày làm việc vất vả để chu cấp cho mọi người trong nhà này,’ bà ta gầm lên giận dữ, liếc mắt nhìn Ye Ye và Dì Baba. ‘Thật lén lút làm sao khi bọn mày lấy tiền từ Ye Ye mà không nói cho cha biết! Chúng tao gửi bọn mày vào học trường đắt tiền để bọn mày được nuôi dạy và lớn lên một cách đúng đắn. Không ai muốn chúng mày bị lừa để trở thành những đứa vô công rỗi nghề cả. từ giờ, tất cả bọn mày sẽ bị cấm xin tiền Ye Ye hay Dì Baba đằng sau lưng chúng tao. Nghe rõ chưa?’

Dù những lời mắng nhiếc của bà ta dành cho chúng tôi, rõ ràng chúng cũng được dành cho Ye Ye và Dì Baba nữa. Bà ta ngừng lại một chút rồi tiếp tục, ‘Tao không nói rằng bọn bay sẽ không bao giờ được đi tàu điện lần nữa. Chúng tao chỉ muốn mày hiểu được lỗi lầm của mình trong quá khứ. Hãy thừa nhận lỗi sai của mình đi. Hứa rằng mình sẽ thay đổi để tốt hơn. Rồi hãy đến xin lỗi chúng tao. Nói với chúng tao rằng từ bây giờ mày sẽ thay đổi cách hành xử của mình. Chúng tao sẽ cho mày tiền tàu điện nếu mày thật sự ăn năn hối lỗi.’

Căn phòng trở nên cực kì im lặng. Tiếng động duy nhất tôi có thể nghe được là tiếng nhai táo của Ye Ye. Chắc chắn ông sẽ nói gì lại với Niang! Những người hầu đi vòng quanh bàn ăn với khăn ẩm để chúng tôi lau miệng. Rồi Niang tiếp tục nói, lần này với Ye Ye, bằng một giọng ngọt ngào và một nụ cười, ‘Quýt ngon và nhiều nước lắm. Đây, cha ăn đi! Để con bóc cho cha.’

Lúc đầu, tất cả chúng tôi đều tức giận! Câu chuyện về vé tàu điện này rõ ràng đã được liên kết với sự thiết lập của thứ tự thứ bậc mới trong nhà. Giờ khi Nai Nai đã qua đời, Niang sẽ lên nắm quyền ư? Chúng tôi đã bao nhau rằng mình sẽ luôn trung thành với Ye Ye. Nếu cần thiết, chúng tôi sẽ đi bộ đến trường cùng nhau (ít nhất là đến khi tốt nghiệp) để bày tỏ sự trung thành với ông.

Mười ngày sau, tôi nhìn thấy Chị Cả xuống tàu điện ở trạm xe gần nhà. Dù chị ta phớt lờ tôi và tôi không dám nói, chị ta rõ ràng đã đầu hàng.

Ba anh trai tôi phải chịu đựng từ tuần này sang tuần khác. Trường St Johns quá xa nhà! Thời tiết lúc ấy còn trở nên lạnh lẽo. Các anh phải dậy từ lúc trời còn chưa hửng sáng và trở về nhà, mệt mỏi rã rời. Lần lượt từng người đều đầu hàng sau đó.

Mặc dù Ye Ye và Dì Baba cố thuyết phục tôi xuống nhà và cầu xin tiền vé xe điện, tôi không thể làm được. Tại sao ư? Tôi còn không hiểu rõ bản thân mình nữa. Nhưng tôi biết nó là thứ gì đó có liên quan đến sự trung thành, công bằng và nghĩa vụ. Tôi chưa từng chia sẻ về vấn đề này với bất cứ ai, kể cả Dì Baba. Đơn giản chỉ là tôi không thể ép bản thân để đến trước mặt Niang và thừa nhận rằng bản thân mình (và vì thế nên Ye Ye) đã phạm sai lầm trong quá khứ. Hơn nữa, phản bội ông chẳng có vẻ gì là một việc làm đúng cả, đặc biệt vì tôi là người đã xin tiền ông từ lúc bắt đầu.

Khi những cơn mưa nặng hạt trút xuống, và các cơn gió rít qua hàng phố, tôi nghiến chặt răng lại và bắt đầu chuyến hành trình dường như vô tận dọ theo Đại Lộ Joffre. Đến cổng trường, ướt sũng vì mưa, tôi cố gắng không để ý những đứa bạn cùng lớp bước ra từ tốn từ xích lô, xe ba bánh và xe nhà riêng. Tôi biết một vài đứa đã cười nhạo mình từ đằng sau lưng và thì thầm với nhau rằng tôi đã bắt chuyến Xe Điện Riêng Số 11 đến trường mỗi ngày, nghĩa là đôi chân đã mang tôi đến trường.

Vào những chiều Chủ Nhật, Niang thường gọi anh chị tôi xuống nhà vào phòng ngủ của bà ta (nơi mà Anh Ba đã đặt tên là ‘Thiên đường của thiên đường’) và đưa cho họ tiền vé xe điện. Khi nghe thấy điều đó và biết rằng mình đã bị gạt đi, tôi cảm giác như mình đã bị đâm một nhát đau điếng. Đôi khi Chị Cả còn lên lầu trở lại và khoe mẽ bằng cách rải những đồng xu thành một hàng và đếm tiền trước mặt tôi, từng cái một.

Standard